Kinh tế - Xã hội Campuchia_Dân_chủ

Mục tiêu của chế độ là đại tu hệ thống xã hội và khôi phục nền kinh tế quốc gia. Chiến lược là phát triển nông nghiệp mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi công nghiệp nhẹ địa phương và thủ công mỹ nghệ. Chính sách tự lực của họ sẽ được tiếp tục trong thời bình. Chính sách này có nghĩa chính phủ tổ chức toàn bộ dân số thành các nhóm lao động cưỡng bức làm việc tại các nông trường nhằm đạt tự túc lương thực. Ngay sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ đã tổ chức cưỡng bức dân cư từ thành thị về nông thôn, bởi nhu cầu cấp thiết khôi phục lại kinh tế bị tàn phá trong chiến tranh và thù địch của những người nông dân Khmer Đỏ với các thành phố. Họ xem là cần thiết để "cách mạng hóa" và "thanh lọc" cư dân đô thị và tiêu diệt Phnom Penh mà "nông dân coi là vệ tinh của nước ngoài, đầu tiên là Pháp, sau đó là Mỹ, và đã được xây dựng bằng mồ hôi của họ mà không mang lại bất cứ cái gì trong trao đổi". Chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng thiết yếu như điện và nước là không phải rời thành phố. Họ tuyên bố không có phương tiện vận tải để cung cấp lương thực cho người dân và do đó điều hợp lý để họ có thực phẩm là di dân để họ làm việc trên các cánh đồng trồng lúa.

Khmer Đỏ đã chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mao, Đảng Cộng sản Pháp và các tác phẩm của MarxLenin,với ý tưởng rằng người Khmer là chủng tộc ưu việt. Điều này dẫn đến các cuộc thanh trừng để tạo ra cả một dân tộc thuần túy và xã hội không giai cấp Khmer, theo một số học giả Khmer Đỏ gợi nhớ lại các cuộc thanh trừng của Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc giaChủ nghĩa Phát xít. Những người khác bác bỏ quan điểm cho rằng chế độ này là chủ nghĩa phát xít trên cơ sở rằng Khmer Đỏ không bảo vệ cho tư hữu. Cơ quan quản lý được gọi là "Angkar Loeu" (Khmer: អង្គការ លើ). Đảng Cộng sản Campuchia (CPK) lãnh đạo tự coi mình là "Angkar Padevat" trong giai đoạn này. Hiến pháp được định nghĩa "nhà nước của nhân dân, công nhân, nông dân, và tất cả người lao động Kampuchea khác".

Trong khi Khmer Đỏ ưu tiên cho nông nghiệp, họ bỏ rơi công nghiệp. Chủ trương của họ là củng cố các nhà máy hiện tại chứ không phải xây mới. Cuộc cách mạng kinh tế mang tính cấp tiến và nhiều tham vọng hơn hẳn các quốc gia cộng sản khác. Nhà nước hoặc hợp tác xã sở hữu tất cả đất đai, không có đất tư nhân như ở Trung Quốc hay Liên Xô. Hiến pháp thông qua tháng 12/1975 tuyên bố tất cả phương tiện sản xuất thuộc sở hữu tập thể của nhà nước. Chính phủ bãi bỏ sở hữu tư nhân về đất đai, Khmer Đỏ tin rằng dưới chính phủ mới, Campuchia phải là một xã hội không giai cấp, hòa hợp hoàn hảo, và cho sở hữu tư nhân là nguồn gốc của ích kỷ và bất công xã hội. Campuchia không dùng tiền mặt, các cửa hàng đóng cửa và người lao động nhận thu nhập của họ dưới hình thức khẩu phần lương thực vì không có tiền trong lưu thông. Lãnh đạo của họ tuyên bố rằng, trong vòng một hai năm, Campuchia sẽ được cung cấp đầy đủ lương thực và xuất khẩu một phần. Để đạt được mục tiêu này trong thời gian ngắn kỷ lục, họ thay hợp tác xã làng bằng công xã lớn. Khẩu hiệu được đưa ra là "Nếu chúng ta có đê điều, chúng ta sẽ có nước, nếu chúng ta có nước, chúng ta sẽ có gạo, nếu chúng ta có gạo, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể có tất cả mọi thứ". Nhà nước phân công lao động tùy theo đối tượng, và thường phải làm từ 11 đến 12 giờ/ngày.

Pol Pot tuyên bố "toàn dân chúng ta, quân đội cách mạng của chúng ta và tất cả cán bộ của chúng ta sống dưới chế độ tập thể và thông qua một hệ thống hỗ trợ cộng đồng" "mặc dù chưa đạt điểm sung túc, tiêu chuẩn sống của chúng ta đạt đến mức độ đảm bảo cơ bản tất cả nhu cầu trong tất cả các lĩnh vực". Phnom Penh bị biến thành một thị trấn ma với không quá 10.000 người, không cửa hàng, bưu điện, điện thoại, thiếu điện thiếu nước và chính quyền cấm di chuyển tới các tỉnh, trừ xe phân phối gạo và nhiên liệu. Điều kiện sống ở các hợp tác xã không giống nhau. Campuchia đạt được tiến bộ trong cải thiện hệ thống thủy lợi, mở rộng diện tích canh tác lúa, tuy nhiên sản xuất và phân phối gạo được báo cáo là không đạt yêu cầu. Lũ lụt năm 1975 và 1978 gây thiệt hại, nhưng các năm 1976 và 1977 khá hơn thì phân phối gạo là bất bình đẳng và chính phủ không đạt được mức phân phối 570 gram mỗi người mỗi ngày. Lãnh đạo đảng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân nhà máy được ăn tốt nhưng trẻ em, người cao tuổi, người bệnh bị đói và suy dinh dưỡng. Cũng có thông tin là chính phủ dự trữ gạo để chuẩn bị chiến tranh với Việt Nam và xuất sang Trung Quốc để đổi lấy nguồn cung cấp quân sự. Khi quân Việt Nam vào Campuchia cuối 1978, kinh tế bị gián đoạn và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến khủng hoảng lương thực trầm trọng năm 1979.

Dưới sự lãnh đạo của Pol Pot, thành phố bị bỏ hoang, các tổ chức tôn giáo bị bãi bỏ, sở hữu tư nhân, tiền bạc và thị trường bị loại bỏ. Một chiến dịch diệt chủng chưa từng có xảy ra sau đó đã dẫn đến khoảng 25% dân số đất nước bị giết, với phần lớn bị giết bởi tư tưởng của Khmer Đỏ kêu gọi "trả thù không cân xứng" chống lại những kẻ giàu và những kẻ áp bức. Nạn nhân là kẻ thù của giai cấp như tư bản, các chuyên gia, trí thức, cảnh sát và nhân viên chính phủ (hầu hết thuộc chính quyền Lon Nol), cùng với các dân tộc thiểu số như Trung Quốc, Việt, Lào, và Chăm.

Nạn diệt chủng cơ bản dừng lại sau năm 1979 bởi cuộc tấn công của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước CampuchiaQuân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) được thành lập. Cộng hòa Nhân dân Campuchia là một chính phủ thân Liên Xô, bắt đầu hồi sinh lại đất nước sau khi bị tàn phá hoàn toàn. Quá trình này bị cản trở bởi lực lượng Khmer Đỏ, trong đó tập hợp dọc biên giới Thái Lan và giữ lại chính quyền của Campuchia Dân chủ trong khu vực kiểm soát. Tình hình càng trầm trọng hơn bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủng hộ lớn nhất cho Khmer Đỏ, và hầu hết nước phương Tây tiếp tục công nhận Kampuchea Dân chủ là chính phủ hợp pháp của đất nước.